Sự nghiệt ngã của số phận đã không cho hai con người tài năng, yêu âm nhạc ấy có cơ hội đứng trên những sân khấu lớn. Nhưng không một lời oán trách, họ vẫn hát hết mình ở những buổi chợ phiên, vẫn không ngừng hy vọng rồi một ngày điều kỳ diệu sẽ đến với hai vợ chồng và cô con gái Sao Mai nhỏ bé.
Mối lương duyên trời định
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Đào sinh năm 1992 trong một gia đình khó khăn, đông anh em ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, Đào đã không thể nhìn thấy thế giới xung quanh. Phải sống trong bóng tối nhưng cô gái rất ham học, những năm cấp 1, Đào được bố mẹ chở đến trường làng bằng xe đạp. Ở đây, Đào học theo chương trình chữ nổi dành cho người khiếm thị do huyện và tỉnh tổ chức. Lên cấp 2, cô được các bạn cùng lớp hàng ngày dẫn tới trường. Tuy bị khiếm khuyết về thị giác nhưng nhờ sáng dạ, nhanh ý, Đào vẫn theo kịp các bạn trong lớp. Học hết cấp 2, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ lại đau ốm liên miên, Đào quyết định nghỉ học.
Không có được đôi mắt sáng nhưng bù lại Đào có giọng ca mượt mà làm rung động trái tim bao người, cô gái trẻ rất năng nổ tham gia các chương trình văn nghệ ở địa phương. Trong một lần đi biểu diễn văn nghệ xã, Đào may mắn “lọt vào mắt xanh” của NSND Tường Vi – Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Tình thương. Sau đó, nghệ sĩ Tường Vi đã tạo điều kiện đưa Đào ra Hà Nội học tập, sinh hoạt tại đội văn nghệ Tình Thương. Biết bao điều thú vị và bất ngờ trong cuộc đời cô gái khiếm thị bắt đầu từ dấu mốc này.
Trong một lần đi giao lưu âm nhạc, Đào tình cờ quen chàng trai Nguyễn Nhật Thanh (SN 1988, quê ở Thanh Hóa), lúc bấy giờ là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia. Thanh trẻ trung, khỏe khoắn, giàu sức sống và là một giọng ca triển vọng của nhạc viện. Sau buổi giao lưu, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.
Được đánh giá là có chất giọng tốt và thái độ tập luyện nghiêm túc, NSND Tường Vi gửi Đào sang nhạc viện học. Kể từ đó, Thanh và Đào có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhau nhiều hơn, tình cảm giữa hai người nảy nở từ tình anh em trở thành tình yêu tự lúc nào không hay.
Tốt nghiệp nhạc viện, Thanh về quê nhà ở Thanh Hóa tìm việc còn Đào vẫn ở lại Hà Nội tập luyện cùng Trung tâm Nghệ thuật Tình thương. Tuy cách xa nhau cả trăm cây số nhưng ngọn lửa tình yêu giữa hai người vẫn luôn nồng ấm.
Chuyện tình yêu của Thanh và Đào gặp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình hai bên. “Bố mẹ nói rằng em là người khuyết tật còn Thanh khỏe mạnh, lành lặn, chúng em khác nhau quá nhiều. Gia đình không muốn em cưới Thanh vì sợ rằng tình yêu anh ấy dành cho em chỉ là nhất thời, một ngày nào đó có thể Thanh sẽ thay lòng và bỏ rơi em” – Đào kể lại.
Bố mẹ Thanh cũng phản đối rất dữ dội, họ không muốn con trai mình kết hôn với một cô gái mù lòa vì Thanh là con trai duy nhất trong gia đình và là trưởng tộc. Gia đình tuyên bố sẽ từ mặt nếu Thanh nhất quyết lấy Đào.
Đứng trước sự phản đối ấy, cả hai đã suy nghĩ rất nhiều nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng không thể sống thiếu nhau. Năm 2013, Thanh và Đào tự tổ chức đám cưới tại Nghệ An, tham gia lễ cưới giản đơn ngày hôm đó chỉ có bạn bè thân thiết, những người yêu mến tiếng hát của hai vợ chồng và bố mẹ Đào.
Vất vả mưu sinh bằng nghề hát rong
Bị gia đình từ mặt, Thanh phải vào Nghệ An sinh sống, để tìm được một công việc tốt nơi xứ lạ là điều vô cùng khó khăn. Lấy nhau rồi, cuộc sống của hai vợ chồng rất bấp bênh, Thanh và Đào quyết định mưu sinh bằng nghề hát rong. Hàng ngày, trên chiếc xe máy cũ, Thanh chở vợ đi khắp các phiên chợ từ Đô Lương, Anh Sơn đến Con Cuông. Công cụ mưu sinh của họ chỉ gồm bộ loa thùng cũ kỹ và chiếc điện thoại có chức năng lưu, phát nhạc.
Làm nghề hát rong phải đi nhiều, dốc sức, dốc hết cả tấm lòng của mình ra để hát nhưng số tiền kiếm được chẳng đáng bao nhiêu. Có những hôm hai vợ chồng vượt quãng đường xa gần trăm cây số nhưng không đúng ngày chợ phiên nên lại về tay không. Thế nhưng, khó khăn không khiến Thanh và Đào nản chí, chàng thanh niên chia sẻ: “Đi gần trăm cây số mà không gặp ngày có chợ phiên thì cả ngày hôm đó, hai vợ chồng không kiếm được đồng nào. Nhưng trên đường đi chúng em vẫn an ủi nhau, coi như một ngày đi dạo chơi để mai lại có cảm hứng hát hay hơn”. Ngoài nghề hát rong, hai vợ chồng còn bán thêm tăm cho trung tâm nhân đạo của tỉnh.
Hạnh phúc của chàng trai xứ Thanh và cô gái mù xứ Nghệ đã đơm hoa kết trái khi đầu năm 2014, gia đình được chào đón thành viên mới, đó là một bé gái xinh xắn, bụ bẫm. Em bé được bố mẹ đặt tên là Sao Mai với hy vọng sau này lớn lên, con sẽ có cơ hội tỏa sáng, giúp bố mẹ viết tiếp những ước mơ tuổi trẻ còn dang dở.
Từ khi có bé Sao Mai, Thanh và Đào phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi gấp ba để chăm sóc cho con. Hai vợ chồng vẫn đau đáu một niềm chưa được đưa bé về thăm ông bà nội.
Có những ngày mưa không thể đi hát được mà con khóc đòi sữa, hai vợ chồng lại mặc áo mưa đi bán từng gói tăm, hy vọng kiếm được chút ít tiền mua sữa cho con. Với giọng nói hiền lành, Đào kể: “Cuộc sống khó khăn nhiều lúc vợ chồng phải đi vay mượn thêm anh em bạn bè nhưng không thể cứ đi vay suốt được, phải tự mình kiếm sống thôi. Nghe tiếng con khóc là vợ chồng không thể cầm lòng được, nhiều ngày mưa gió chợ phiên ít người nên không đi hát được, chúng em vẫn đi bán thêm tăm, được thêm vài nghìn cũng đáng quý”.
Cuộc sống với bộn bề khó khăn vẫn không thể ngăn được đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bên nhau. Đào nói rằng, Thanh chính là đôi mắt của mình, là bờ vai cho cô vịn vào… Còn với Thanh, Đào là nhân duyên của cuộc đời, cuộc sống của anh sẽ không còn ý nghĩa nếu không được chăm sóc, chở che cho Đào và bé Sao Mai.
Mời quý vị độc giả theo dõi những câu chuyện xúc động của "Điều ước thứ 7" được phát sóng vào 13h chiều thứ bảy hàng tuần trên VTV3. Trong mỗi số phát sóng, chương trình sẽ biến ước mơ của một nhân vật thành hiện thực.
Chuyện tình rung động của cô gái khiếm thị và chàng sinh viên thanh nhạc
theo http://kenh12.com from http://ift.tt/YEIhlv -
No comments:
Post a Comment